Category
‘Người thiếu nghị lực sẽ có tư tưởng không học cũng giàu’
“Học rồi có xin được việc đâu, người ta không học vẫn giàu” – nhiều người coi đó như câu cửa miệng để bao biện cho sự thiếu nghị lực.
Vợ chồng ‘đói nhất làng’ nuôi 10 con thành tài
Gia đình ông Chiểu từng nợ thóc, gạo của hàng trăm người ở khắp tỉnh, vì muốn cho 10 con đi học.
Ngày họp mặt gia đình 2/9, mới mờ sáng, ông Nguyễn Xuân Chiểu, 85 tuổi đã í ới gọi vợ “bà ơi, dậy thôi”. Bà An Thị Dần, 83 tuổi, vợ ông vén lại mớ tóc bạc, bảo chồng “Tôi cả đêm có ngủ đâu mà ông phải gọi”. Rồi ông bà ra vườn, bắt hơn hai chục con gà giết thịt để làm cơm đón con cháu.
6 giờ sáng, tiếng dao thớt leng keng, tiếng bước chân nườm nượp. Bầy con cháu 70 người lũ lượt kéo về, xắn tay áo hộ ông bà nấu nướng, ba phòng bếp đều đỏ lửa. Con lợn nặng một tạ mổ, bày ra một quầy thịt lớn. Đúng trưa, 10 mâm cơm ăm ắp thịt gà, thịt lợn, rau xanh… được xếp vào hai dãy bàn, trong nhà ăn rộng hơn 50m2. Nhà ăn đó 30 năm trước, là ngôi nhà tranh rách nát, ông Chiểu và vợ chạy ăn từng bữa nuôi bầy con 10 đứa.
Những năm 1970, lũ con đứa nào cũng đói, mặt xanh như tàu lá. Cha mẹ đi làm, cứ vài bữa, các con ông Chiểu lại phải vác cái rá thủng đi khắp làng vay gạo. Có lần, thằng con thứ ba đi bộ ra tận đầu làng, cách nhà một km, nhưng vẫn về tay không. Đói khổ, bị người đời mỉa mai, ông Chiểu về hối thúc đàn con: “Thầy ức quá, các con phải cố lên, phải học thật giỏi!”. Lũ con lem luốc nhìn cha ỉu xìu “Khó lắm thầy bu ơi!”.
Vậy là 5 trai, 5 gái (sinh từ 1956 đến 1976) đều được ông bố là giáo viên thể dục và bà mẹ nông dân “xua” đi học hết.

“Bố rất chiều mẹ vì ngày xưa mẹ quá khổ cực, những ngày bố đi dạy học, mẹ ở nhà chăm 10 người con, kéo cày thay trâu để kiếm gạo nên sức khỏe giảm sút nhanh”, chị Hằng, con thứ 7 của ông Chiểu, bà Dần, cho biết. Ảnh: Đức Minh.
Một bữa, thầy hiệu trưởng của ông Chiểu từ xa đến thăm. Đến giờ cơm trưa, nhà hết gạo, chỉ còn quả bí ngô, cậu con trai thứ 3 đội lên đầu, đứng ngoài sân gọi “bu ơi”, ý muốn xin mẹ cho nấu. Bà Dần nhìn ra gật đầu.
Mấy đứa trẻ cử cậu thứ 9 sang hàng xóm vay muối về chấm bí ngô luộc. “Cậu ấy sang, hàng xóm ngần ngừ ‘nhà mày có bát muối cũng không mua được mà ăn’. Tủi thân, cậu ấy bỏ về, nằm giữa nhà khóc tu tu”, chị Hằng, 49 tuổi, con thứ 7 của cụ Chiểu kể. Lúc đó, lũ trẻ bảo nhau: “Thầy nói đúng, anh em mình phải học thật giỏi để thoát nghèo”.
Để có tiền cho con học, ông Chiểu “vừa làm thầy, vừa làm thợ, đi chợ, làm nông”. Đầu tuần, ông dậy từ một giờ sáng, đi bộ khoảng 40 km đến trường ở Thường Tín, Hà Nội dạy học, cuối tuần lại đi bộ về. Ngày nghỉ, ông cùng vợ mua quýt, vôi, tòng teng quang gánh đi khắp Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định bán. Ông tự làm máy xát dong, trồng rau để kiếm thêm, ngoài việc cấy một mẫu ruộng để lấy lúa ăn. Nhà không có gạo thì ăn rau, ăn củ chuối.
“Làm giáo viên lương thấp, làm thầy giáo thể dục lại không được coi trọng, nhưng tôi vẫn cố theo, vì đó là cơ hội duy nhất để tiếp xúc với những người có tư tưởng tiến bộ”, ông Chiểu nói.
Nhiều năm phải đi vay, gia đình ông Chiểu nợ khắp nơi. Vài bữa lại có người đến ngôi nhà tranh xiêu vẹo đòi thóc, đòi tiền. Ông Chiểu mời vào nhà bảo “Ngày nào các bác cũng đến đòi, tiếp các bác tôi chẳng còn thời gian làm mà trả nợ. Tôi hẹn bác này 3 tháng, còn bác đây 2 tháng sẽ trả”. Có người đồng ý, nhưng cũng có người chửi, nhiều lần ông phải chạy sang nhà anh trai trốn.
Biết cha vốn tự trọng cao, vì con mới phải chịu lún, bầy con của ông càng quyết tâm đổi đời.
“Người ta đến đòi nợ, mấy chị em tôi vẫn mắc võng lên cành cây hồng xiêm nằm học. Họ quát tháo ồn quá thì lại chui vào buồng, đóng kín cửa học. Nửa đêm, hai cái đèn dầu cạn, mấy đứa bảo nhau đổ nước cho váng nổi lên”, chị Hằng nhớ lại.
Tối tối, vợ chồng ông Chiểu không nhắc con học, ngược lại thường phải kêu các con đi ngủ sớm. “Thằng con thứ 3 hôm nào đi cuốc đất cũng cài cuốn sách sau lưng. Cứ nghỉ tay là nó lại đặt ngang cán cuốc làm chỗ ngồi, rồi lôi sách ra học”, bà Dần kể.
Mười đứa trẻ lần lượt đậu đại học, 7 người chọn ngành sư phạm. Hành trình gồng gánh nuôi con của vợ chồng ông Chiểu kéo dài thêm 20 năm, năm nào cũng có 2 đứa đang học. Các con vừa gắng học giỏi để giành học bổng, vừa đi làm thêm để có tiền trang trải.
Khoảng cuối những năm 1990, các con ông Chiểu đi làm, trả dần hết nợ. Giờ đây, “thằng con thứ 3” mang sách ra ruộng mà bà Dần nhắc đến đã là một phó giáo sư, tiến sĩ. “Thằng thứ 9” nằm lăn dưới đất khóc vì không xin được muối đã là một thạc sĩ, hiện dạy cấp 3 tại một trường điểm của huyện Lý Nhân. Tám người con còn lại, có một tiến sĩ nữa.

Ông Chiểu chưa bao giờ phải dùng roi vọt. “Nhà khác 10 đứa thì thường có đứa nọ đứa kia sứt sẹo, hư hỏng, nhà tôi may mắn là đều trọn vẹn. Các con chưa từng làm tôi thất vọng”, ông nói. Ảnh: Đức Minh.
Nếu tính cả dâu rể và hàng cháu, nhà ông Chiểu hiện có một phó giáo sư, 5 tiến sĩ và 20 thạc sĩ. Con gái đầu của vợ chồng ông thời đó là người con gái duy nhất trong xã Văn Lý đi đại học.
Ông Ngô Thanh Thủy, Chủ tịch hội khuyến học xã Văn Lý cho biết: “Gia đình ông Chiểu là gia đình nổi tiếng nhất huyện Lý Nhân là ham học. Từ thuở hàn vi cho đến bây giờ, ông ấy vẫn luôn là người truyền lửa cho các con cháu nỗ lực”.
Vợ chồng ông Chiểu hiện sống cùng con trai thứ 9. Các con đều đã thành đạt, nhưng ông bà chẳng nghỉ ngơi. Ông Chiểu sáng nào cũng lúi cúi ngoài vườn, vun hàng chục gốc hồng xiêm, gốc bưởi trong khu vườn rộng hơn nghìn mét vuông. Còn bà Dần sẽ trẩy bưởi, hồng xiêm bán.
“Chúng tôi bước chân ra đời, cũng đối mặt với nhiều thách thức, nhưng học được ở cha mẹ chữ ‘nhẫn’, sự bền bỉ, kiên cường. Anh em chúng tôi cũng chẳng bao giờ tỵ nạnh nhau cái gì, vì quãng thời gian khổ cực nhất, chúng tôi đã luôn đùm bọc nhau”, Phó giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Đức Minh, con trai thứ 3 của ông Chiểu nói.
Lễ 2/9 năm nay, xong cơm trưa, 10 người con quây quần “tám chuyện” dưới tán cây hồng xiêm 60 năm tuổi – nơi năm xưa họ từng mắc võng đọc sách, trốn người đòi nợ.
Phạm Nga
Bỏ học là không cố gắng chứ không phải không có tiền. Giàu học theo kiểu giàu, nghèo học theo kiểu nghèo. Ở dưới quê giờ vẫn đầy những gia đình không cần có những chi phí như sách vở, đưa rước, quà cáp nhưng con cái vẫn được thầy cô thương yêu dạy học.
Pisces
Phải nể ông bà cách giáo dục con cái. Và nể cái tư tưởng tiến bộ, ở một đất nước vừa thoát chiến tranh lại đói ăn mà vẫn ưu tiên cho việc học bằng được (thời xưa đỗ đại học là rất hiếm). Nể cái việc cố làm giáo viên dù lương thấp vì biết đó là môi trường tiến bộ. Một người cha biết định hướng con cái như vậy thì thành công là điều không ngạc nhiên chút nào.
Tôi rất buồn vì thời khó khăn thì nhiều tấm gương vậy, thời nay no đủ lại rất nhiều người khi ngồi nói chuyện câu mở đầu rằng học rồi không xin được việc, rồi người này người kia không học vẫn giàu….”. Nhiều người thì đổ hoàn cảnh, nhưng có cái hoàn cảnh khó khăn nào bằng việc thiếu ăn? Bây giờ có khó khăn thì chắc chắn các em đều được học, học phí thì Nhà nước miễn giai đoạn đầu, sách vở thì cho tặng rất nhiều. Chẳng thiếu gì chỉ thiếu nghị lực.
Đi lên bằng quan hệ không phải là con đường duy nhất và tốt nhất. Bởi đã không tốt thì việc bị sờ đến chỉ là thời gian. Lên bằng quan hệ thì xuống chính bằng quan hệ (tôi quen ông A, ông A về hưu thì ông B lên, người quen ông B lên và tôi xuống). Nhiều người cứ lấy ví dụ trong hành chính nhưng thực tế số cán bộ công chức hành chính rất nhỏ so với lao động tư nhân.
Bản chất là vì lười và thiếu nghị lực cố gắng, thay vì thức đêm học hành thì họ muốn đi ngủ và vẫn giàu nên mới phải noi theo gương xấu. Còn bất cứ người nào từng khó khăn rồi thành công thì sẽ thấy đánh đổi và chăm chỉ là điều hiển nhiên, họ sẽ thấy không có gì phải so sánh cả.
ĐỌC
Bên ngoại tôi cũng vậy, nhà 8 người con được ông bà ngoại cho đi học đầy đủ, dù thời đó nghèo đói. Bà kể người làng xỉa xói, móc mỉa vì chuyện cho con đi học. Nhưng cuối cùng nhà ngoại lại khấm khá, thành đạt nhất làng.
Trang
Mình quê Nam Định, xóm mình cũng có một gia đình nghèo nhất xã, nhà tranh vách đất. Có 8 người con mà ai cũng ăn học thành tài toàn giáo viên, bác sĩ, kỹ sư. Giờ thấy gia đình ông bà thật sự rất khâm phục.
DƯƠNG TRỌNG THẮNG
Nghe kể đúng như ông bà tôi, tuy các chú bác tôi không có ai tiến sĩ như nhà này, nhưng tất cả đều học xong đại học. Thỉnh thoảng lại nghe kể về việc tối mịt bà nội mang thúng đi vay gạo (vì ban ngày xấu hổ), bị các ông bà gần nhà cười chê là đú đởn, cho con đi mò cua bắt ốc cho no bụng, học được gì. Giờ nhà ông bà khá nhất làng, con cái hiếu thảo, không giàu có nhưng đều đủ ăn đủ mặc, tử tế đàng hoàng.
Hoàn Nguyễn Khắc
Gia đình tôi cũng vậy, với số anh chị em mà thầy mẹ tôi sinh ra chỉ bằng 1/2, nhưng các cụ đã nuôi dạy 5 anh em tôi đều tốt nghiệp đại học. Có 1 tiến sỹ, 1 PGS, 1 thạc sỹ, 2 kỹ sư. Hoàn cảnh cùng giống như thế. Khó khăn bội phần… Ôi một thời để nhớ.
Trần Chí Chung
Cha mẹ tôi cũng khổ nhất làng để nuôi anh em tôi ăn học khi quê tôi coi trọng những đứa trẻ biết lao động sớm để giúp cha mẹ hơn mất đứa mọt sách. Giờ anh em tôi cũng thoát ly ra xã hội kiếm tiền, chưa giàu có, chưa mua được nhà nhưng chúng tôi lo cho cha mẹ ở quê không thiếu thứ gì và sướng nhất làng, không phải lao động. Những người cùng tuổi cha mẹ tôi khi xưa chê cười giờ lại ngưỡng mộ và ước ao đc như cha mẹ tôi. Chúng tôi không đợi giàu mới báo hiếu vì mâm cỗ trên ban thờ chính là sự nuối tiếc lớn nhất đời người làm con.
Hùng Anh
Trong câu chuyện này cũng có hình bóng của bố mẹ tôi – đã tần tảo nuôi 9 người con khôn lớn, nhất là mẹ tôi. Bố ốm mất sức lao động, còn mình mẹ chạy ăn từng bữa nuôi anh em tôi ăn học tuy không được học cao nhung cũng thấy bố mẹ thật là tuyệt vời so vời thời bây giờ, nhiều gia đình giàu có nhưng còn cái thì lại không thấy tương lai.
Vannhuan do
Written by haivu1495
Trả lời Hủy
Chuyên mục
- Bí Quyết Công Nghệ
- Cẩm Nang Bốn Bánh
- Đăng Tin Miễn Phí
- Doanh nhân-Thương Hiệu
- Kiến Trúc – Nội Thất – Phong Thủy
- Kinh doanh-Thương trường
- Kinh nghiệm mua bán xe
- Kỹ năng nhân diện
- Kỹ thuật nông nghiệp
- La bàn khởi nghiệp
- Nghệ thuật xử thế
- Ngoại ngữ
- Nhà đầu tư Thông minh (Smart Investor)
- Pháp lý nhà đất
- Tin Thị Trường
- Tin tức
- Tin Tức Mới Nhất
- Việc Làm – Tuyển dụng
- VN Millenium Waves
Phản hồi gần đây